Một trong những hành trang quan trọng để các em học sinh có thể đến Mỹ du học chính là quá trình chuẩn bị xin visa du học Mỹ. Sau khi nhận được thư nhập học của các trường trung học, cao đẳng/đại học tại Mỹ, du học sinh quốc tế phải tiến hành xin thị thực F-1 – đây là chiếc vé thông hành đưa các em đến với xứ cờ hoa. Vì vậy các em cần chuẩn bị hồ sơ và buổi phỏng vấn thật kỹ nhé!

1. Xin visa du học Mỹ 2023 dễ hay khó?

Quy trình xin visa du học Mỹ trên thực tế đã được thông tin rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Chỉ cần tìm kiếm với từ khóa hướng dẫn xin visa du học Mỹ, bạn sẽ nhìn thấy hàng loạt các website đã cập nhật rất rõ ràng về vấn đề này.

Tuy nhiên phải nói rằng, dù có được các hướng dẫn cụ thể thì quy trình xin visa du học Mỹ vẫn khá phức tạp và không hề dễ dàng đối với những ai lần đầu tiếp cận.

Bạn cũng nên biết một điều rằng không có bất kỳ đơn vị nào có thể cam kết 100% tỷ lệ đậu visa du học học Mỹ bởi điều này hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ. Bên cạnh đó, các chính sách thị thực, cấp visa du học, chính sách nhập cư… của mỗi thời đại tại Mỹ cũng ảnh hưởng rất sâu sắc đến kết quả hồ sơ của bạn. Do đó, tất cả những gì bạn cần làm là chuẩn bị thật kỹ lưỡng dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia uy tín trong nghề như PTAS.

2. Các loại visa du học Mỹ 2023

Du học Mỹ có 3 loại visa là F-1, J-1 và M-1

Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu về các loại visa du học Mỹ để biết mình thuộc diện nào. Trên thực tế đối với công dân quốc tế, sẽ có 6 loại visa bao gồm visa doanh nhân/ khách du lịch, visa du học, visa làm việc, visa quá cảnh, visa phóng viên và visa làm việc liên quan đến tôn giáo.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập riêng đến visa du học và hiện có ba loại là visa du học F, visa trao đổi J và visa Du học M. Cụ thể:

- Visa Du học Mỹ F1: Đây là visa dành cho các bạn du học bậc đại học/ cao đẳng/ trung học tại các trường được công nhận ở Mỹ. Bên cạnh đó, các bạn du học tiếng Anh tại các học viện ngôn ngữ cũng sẽ xin loại visa này (Điều kiện bắt buộc là số giờ phải từ 18 giờ trở lên). Công dân quốc tế đến Mỹ theo diện du học như thế này sẽ được gọi chính xác là visa F-1 còn những người đi cùng (vợ/ chồng hoặc con cái) sẽ thuộc diện F-2. Visa F1 có thời hạn từ 2 đến 5 năm tùy theo chương trình học và du học sinh bắt buộc phải rời khỏi Mỹ trong vòng 60 ngày sau khi hoàn thành khóa học.

- Visa du học Mỹ diện Trao đổi văn hoá J1: Hay còn gọi tắt là visa J sẽ dành cho các bạn đến Mỹ du học theo diện trao đổi tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc đại học. Loại visa này tương đối linh hoạt về thời gian lưu trú bởi nó còn tùy thuộc vào chương trình mà bạn được tài trợ. Tương tự như visa F thì công dân nước ngoài tham gia trao đổi sẽ là diện J-1 và người đi cùng là J-2.

- Visa Du học Mỹ M1: Trong trường hợp, bạn tham gia các chương trình đào tạo không mang tính học thuật hoặc học nghề ở Mỹ thì bạn sẽ xin visa du học M-1. Loại visa này có thời hạn 1 năm nhưng có thể được gia hạn tạm trú lên đến 3 năm.

Như vậy tóm lại thì:

Loại visa

Loại hình giáo dục

Thời hạn

Khả năng gia hạn

Visa du học Mỹ F1

Trung học, cao đẳng, đại học

2-5 năm

 Lên đến 2 năm

Visa du học Mỹ J1

Du học trao đổi tại các trường THCS, THPT và đại học

1 năm

 Không thể gia hạn

Visa du học Mỹ M1

Đào tạo nghề, các chương trình không mang tính học thuật

1 năm

Lên đến 3 năm

3. Hồ sơ xin visa du học Mỹ 2023 gồm những gì?

Giấy tờ học tập, nhân thân và tài chính là các loại cần thiết khi xin visa du học Mỹ

Cũng giống như thủ tục xin visa du học ở các nước khác, khi làm hồ sơ xin visa du học Mỹ bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:

  1. Giấy tờ học tập: Bằng cấp, học bạ hoặc bảng điểm 3 năm gần nhất, chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL, PTE...), các bằng cấp có giá trị quốc tế khác như SAT, GRE, GMAT...., chứng nhận tham gia các hoạt động ngoại khoá, học bổng, giải thưởng...

  2. Giấy tờ nhân thân: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, passport, ảnh 5x5 nền trắng kèm file ảnh

  3. Giấy tờ tài chính: Sổ tiết kiệm, xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, sổ đỏ, giấy tờ đăng ký kinh doanh, giấy tờ thuế cho hoạt động kinh doanh của gia định hoặc giấy tờ thuế thu nhập cá nhân, … Chứng minh nguồn thu nhập tốt của người bảo lãnh tài chính cho bạn.

  4. Trọn bộ hồ sơ từ trường: Thư mời nhập học, giấy giám hộ, xác nhận đóng học phí,...

4. 3 bước quy trình làm hồ sơ visa du học Mỹ

Bước 1: Khi bạn được các trường đại học hoặc cao đẳng chấp nhận, nhà trường sẽ gửi cho bạn mẫu đơn I20. Bạn nên cẩn thận kiểm tra thông tin mẫu đơn I-20, DS 2019 được cấp có chính xác với hồ sơ cá nhân của mình hay không.

Bước 2: Tiếp đó, công việc bạn cần làm chính là toàn tất mẫu đơn xin visa du học Mỹ DS-160 và đóng phí xin visa du học.

Bước 3: Khi du học Mỹ, bạn cần tham gia đóng phí SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System) phí SEVIS từ tháng 6/2019 tăng lên từ 200$ lên 350$ và có giá trị 1 năm kể từ ngày đóng.

Giải thích thêm về SEVIS thì đây là một hệ thống các thông tin về sinh viên được xây dựng dựa trên hệ thống Internet bởi Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) và Bộ Ngoại giao Mỹ (DOS), cập nhật thường xuyên và chính xác thông tin về các du khách đến Mỹ (F, M, and J) và những người có liên quan.

Các trường ở Mỹ (đại học, cao đẳng, và học viện) phải chuyển các thông tin bắt buộc tới các tổ chức có liên quan của chính phủ Mỹ qua SEVIS. Du học sinh cần phải chuyển số SEVIS khi chuyển trường học.

5. Tiến trình xin visa du học Mỹ

Quy trình xin visa du học Mỹ bao gồm 4 bước chính

Bước 1: Làm bản khai thông tin của đương đơn.

 - Trường cao đẳng hoặc trường đại học sẽ gửi cho bạn một giấy báo xác nhận rằng bạn đã được một trường do Cơ quan Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) ủy quyền chấp nhận vào học, theo tiêu chuẩn sinh viên không định cư (mẫu I-20 dành cho sinh viên visa F-1 hoặc mẫu DS-2019 cho sinh viên visa J-1). Bạn sẽ đọc và ký vào mẫu này.

- Hãy cẩn thận để đảm bảo rằng tên và đánh vần trên hộ chiếu của bạn chính xác giống như tên và đánh vần trên đơn xin nhập học với nhà trường. Bạn cũng phải đảm bảo rằng nhà trường đã ghi tên của bạn đúng theo như trong hộ chiếu vào mẫu I-20 hoặc DS-2019.

- Tất cả các tên của người nộp đơn phải được xuất trình vì lý do an ninh. Công dân của một vài quốc gia và sinh viên muốn học tập một chuyên ngành cụ thể nào đó tại một trường đại học phải cần thêm thời gian kiểm tra, có thể kéo dài thêm vài tuần. Một lần nữa, điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị nhiều thời gian cho quá trình nộp đơn xin visa du học Mỹ.

Bước 2: Lên lịch phỏng vấn và hoàn tất việc nộp học phí

- Visa sinh viên có thể được hẹn phỏng vấn đến 90 ngày từ ngày chương trình học tập bắt đầu được ghi trên mẫu I-20. Visa khách trao đổi có thể được nhận bất cứ lúc nào trước ngày ghi trên mẫu DS - 2019. Bạn nên nộp đơn xin visa càng sớm càng tốt.

- Mỗi Đại sứ quán Hoa Kỳ có một trang web riêng với đầy đủ hướng dẫn về cách đặt lịch phỏng vấn xin visa và các thông tin khác về thủ tục xin cấp visa.

- Khoản lệ phí 350 USD được dùng để chi trả chi phí hệ thống máy tính phục vụ cho việc lưu thông tin khi bạn ở Hoa Kỳ (SEVIS). Bạn có thể trả lệ phí này bằng thẻ tín dụng quốc tế. Hãy vào trang web fmjfee.com/index.html để trả lệ phí và nhớ in bản sao biên nhận đóng tiền. Bạn phải trả lệ phí SEVIS ít nhất ba ngày trước ngày phỏng vấn xin visa. Nhớ mang theo bản sao biên nhận đóng tiền tới buổi phỏng vấn xin visa.

- Bạn cũng sẽ phải trả thêm 3.840.000 VNĐ (160 USD) cho lệ phí đơn xin visa. Lệ phí này có thể được trả tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại nước bạn hoặc tại một ngân hàng do Đại sứ quán chỉ định. Bạn có thể tìm thông tin cụ thể về nơi nộp lệ phí đơn xin visa trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở nước bạn.

Bước 3: Hoàn tất mẫu xin visa

Mỹ bắt đầu áp dụng mẫu xin visa không định cư mới, DS-160, có thể nộp đơn trực tuyến. Mẫu này thay thế cho tất cả các mẫu khác. Bạn có thể tìm hiểu hướng dẫn cách điền mẫu và đường dẫn để tải mẫu trên trang web http://travel. state. gov/visa/forms/forms_4230.html. Trang web của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ là usembassy.gov. Truy cập vào mục Visa và tìm hiểu thủ tục chính xác trong phần Visa Không Định Cư.

Hoàn thành mẫu DS-160 trực tuyến. Một lần nữa, nhớ đảm bảo thứ tự tên và đánh vần tên của bạn đúng như trong hộ chiếu. Sau đó, bạn in mẫu đã điền hoàn thiện và mang theo đến Đại sứ quán khi bạn đi phỏng vấn xin visa.

Bước 4: Chuẩn bị sẵn sàng cho buổi phỏng vấn

Điều rất quan trọng là bạn nên nộp đơn xin visa sớm trước ngày bắt đầu chương trình học tập tối thiểu là trước 30 ngày. Bạn không được nộp đơn xin cấp visa ba tháng trước ngày bạn dự định đi Mỹ. Việc nộp hồ sơ trong thời gian hợp lý sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong quá trình xin visa và chuẩn bị hành trang lên đường đến Mỹ du học.

6. Vậy xin visa du học Mỹ 2023 mất bao lâu?

Thời gian hoàn thiện visa du học Mỹ có thể mất từ 1 đến 3 tháng

Trung bình bạn sẽ mất từ 1 đến 6 tuần để xin thư nhập học và mất từ 2 đến 4 tuần để luyện phỏng vấn visa và hoàn thiện hồ sơ visa du học Mỹ. Tổng cộng mất từ 4 – 10 tuần để hoàn tất hồ sơ

Một số trường yêu cầu nộp hồ sơ trước tháng 3 cho kỳ nhập học tháng 9 vì thế bạn sẽ mất thời gian khoảng 6 tháng cho quá trình làm hồ sơ du học.

Tuy nhiên, với chính sách thủ tục linh hoạt của mình, việc đăng ký phỏng vấn visa du học Mỹ có những thời điểm khá nhanh, ở những mùa cao điểm thì thường phải mất từ 2-4 tuần mới có ngày hẹn phỏng vấn.

Tất cả các công việc bạn cần làm chỉ là khai hồ sơ online, hẹn ngày phỏng vấn, đến phỏng vấn theo lịch hẹn, bạn cần đến trước lịch hẹn tầm 30', thông thường cuộc phỏng vấn visa du học Mỹ trong vòng 3 đến 15 phút. Sau đó kết quả sẽ được thông báo ngay lập tức.

Và nếu việc xin visa du học Mỹ thành công thì visa được gửi về địa chỉ bạn đăng ký trong khoảng từ 5 đến 10 ngày làm việc. Phỏng vấn visa du học Mỹ tuy rất ngắn và đơn giản nhưng để thuyết phục được viên lãnh sự quán cấp visa cho bạn thì cần có sự tự tin, trả lời tốt các câu hỏi của viên lãnh sự, thần thái tốt.

Trên đây là những thông tin hướng dẫn chi tiết liên quan đến việc xin visa du học Mỹ. Nếu bạn cần được hỗ trợ thêm thông tin thì đừng ngần ngại liên hệ với PTAS. Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực tư vấn du học Mỹ, PTAS chắc chắn sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy của bạn. Chúc bạn thành công.

 Nguồn: Du học PTAS